Tìm kiếm Blog này

Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

SHEARWAVE ELASTOGRAPHY 724 CASE BREAST TUMOR

SIÊU ÂM ĐÀN HỒI SÓNG BIẾN DẠNG (SWE) CHẨN ĐOÁN U TUYẾN VÚ
TẠI TRUNG TÂM Y KHOA MEDIC
BS NGUYỄN DUY THƯ, BS NGUYỄN THIỆN HÙNG, BS PHAN THANH HẢI
Trung tâm Y khoa MEDIC Hoà Hảo-Thành phố Hồ Chí Minh


Abstract: Applying the shear wave elastography (SWE) of Supersonic Imagine on breast ultrasonography in Medic Medical Center, HCMC, Vietnam from November 2009 to November 2010. It was a descriptive, cross-sectional, prospective study in comparison the SWE to conventional ultrasonography, mammography and biopsy (FNA and core biopsy). There were 724 breast tumors with 568 benign tumors (78%) and 156 malignant tumors (22%). The elastic score of benign group was in range from 04 to 45kPa with elastic ratio from 0.7 to 4.6, and elastic score from 22 to 300kPa with elastic ratio from 3.3 to 26.4 for the malignant group. Authors noted that the sensibility and specifility of results were improved when adding shear wave properties and BI-RADS classification into the criteria of evaluation.


Tóm tắt: Áp dụng siêu âm đo độ đàn hồi sóng biến dạng (Shear Wave Elastography, SWE ) ở 724 ca u vú có đối chiếu với siêu âm thường quy, nhũ ảnh và sinh thiết tại Trung tâm y khoa MEDIC từ tháng 11/2009 đến 11/ 2010. Kết quả: có 568 ca u lành tính (thay đổi sợi bọc, u sợi tuyến, u diệp thể) chiếm 78 %, có độ đàn hồi từ 4 đến 45 kPa, chỉ số đàn hồi ER từ 0,7đến 4,6.Và 156 ca ung thư vú chiếm 22 %, có độ đàn hồi từ 22 đến 300 kPa, chỉ số đàn hồi ER từ 3,3 đến 26,4. Các tác giả nhận thấy qua nghiên cứu này độ nhạy và độ đặc hiệu của kết quả siêu âm được tăng cường đáng kể khi thêm các đặc điểm shear wave vào phân hạng BI-RADS.

I. Đặt vấn đề:
Siêu âm đã được áp dụng rộng rãi trong chẩn đoán bệnh lý tuyến vú từ lâu, nhiều thế hệ máy siêu âm đã ra đời, độ phân giải ngày càng cao giúp cho bác sĩ siêu âm phát hiện và đánh giá về hình thái học khối u ngày càng chính xác.Thêm vào đó là sự ra đời của hệ thống phân loại BIRADS càng chuẩn hóa hơn trong chẩn đoán u tuyến vú. Theo phân loại BIRADS: nhóm BIRADS III có khoảng 4% là ung thư vú và nhóm này thường chỉ theo dõi mà không can thiệp sinh thiết. Nhóm BIRADS IV có từ 4 đến 92% là ác tính, số còn lại đã bị can thiệp quá mức.
Nhằm làm tăng độ chuyên biệt của siêu âm vú và tránh phụ thuộc người khám trong thập niên qua, thế hệ máy siêu âm đo độ đàn hồi vú đã ra đời. Đây là lãnh vực mới của siêu âm chẩn đoán, kỹ thuật này giúp phân loại BIRADS III- IV chính xác hơn, từ đó hạn chế được sinh thiết vú không cần thiết.

II.Tổng quan:
Siêu âm đo độ đàn hồi vú là phương pháp không xâm lấn để phát hiện hình ảnh biến dạng của mô mềm hay để phân loại khối u. Các thông số như độ dao động (vibration), sự dời chỗ, đè ép, chỉ số biến dạng, tốc độ sóng truyền và độ đàn hồi…đều được dùng để đánh giá độ cứng. Một khối u hay tổn thương nghi ngờ ác tính thường cứng hơn mô lành từ 4 đến 26 lần. Khi bị ấn hay bị rung, u ít biến dạng hơn mô lành xung quanh.
Siêu âm đo độ đàn hồi vú là phương pháp có giá rẻ hơn, nhanh hơn và thuận tiện hơn các kỹ thuật khác như cộng hưởng từ đàn hồi (magnetic resonance elastography, MRE).
Kỹ thuật đo độ đàn hồi sóng biến dạng (Shear Wave Elastography, SWE) của SUPERSONIC IMAGINE dùng khám vú tại Trung tâm Medic có độ phân giải rất cao với đầu dò linear 15MHz, tín hiệu Doppler cực nhạy, chức năng đo độ đàn hồi không lệ thuộc người khám vì không cần phải ấn khám, định lượng được và có tính lập lại kết quả (reproducible).



Kỹ thuật đo độ đàn hồi sóng biến dạng (SWE) là phương tiện tương tác giữa sóng siêu âm thường quy và sóng biến dạng để xác định độ đàn hồi mô tuyến vú và phát hiện khối u khi đo được độ cứng của u. Sóng biến dạng là loại sóng siêu âm truyền ngang được tạo ra trong mô cứng để làm biến dạng nhất thời mà không làm thay đổi dung lượng và mật độ. Khi phát hiện tổn thương, người khám giữ yên đầu dò trên mặt da trong vài giây mà không đè ép và ấn nút hoạt hóa trên bàn phím. Sóng biến dạng truyền chậm, ít hơn 10m/giây trong mô, được tạo ra trong mô và được bắt bằng công nghệ tạo hình siêu nhanh (ultrafast imaging), toàn bộ tiến trình chỉ trong khoảng ít hơn 20 giây.
Tốc độ lan truyền của sóng biến dạng liên quan trực tiếp với độ đàn hồi mô. Tốc độ lan truyền của sóng biến dạng được tính toán và độ đàn hồi mô được hiển thị thành đơn vị kilopascals (kPa) trên bản đồ đàn hồi (elastogram) màu mã hóa của vùng được chọn ROI (region of interest). Độ cứng của mô được hiển thị trong một khoảng phân bố (spectrum) từ đỏ sậm (rất cứng) rồi màu cam, vàng, xanh lá cây cho đến màu xanh dương (rất mềm). Mỗi điểm ảnh màu (pixel) trên bản đồ đàn hồi màu mã hóa có một giá trị kilopascal. Tập hợp lại tất cả thành độ đàn hồi mô tại chỗ và tức thì, được hiển thị trên bản đồ đàn hồi màu mã hóa ngay trên màn hình máy siêu âm. Giá trị độ cứng của tổn thương và tỉ lệ độ cứng giữa tổn thương và mô lành xung quanh (thường là mô mỡ) , gọi là chỉ số đàn hồi (elastic ratio), cũng được ghi nhận.



Trong khi đó, các kỹ thuật siêu âm đàn hồi quy ước là đàn hồi strain hay tĩnh (static), bằng sự đè nén cơ học trên bề mặt cơ thể để làm mô trong sâu biến dạng. Người khám ấn vào mô và máy siêu âm tính toán rồi biểu diễn sự biến dạng một cách không thật; kỹ thuật này lại không định lượng được, có độ lập lại thấp và lệ thuộc vào người khám.



III.Đối tượng và Phương Pháp :
Đối tượng: Bệnh nhân khám vú tại MEDIC chọn ngẫu nhiên.
Phương pháp nghiên cứu: mô tả, cắt ngang, tiền cứu.
Phương tiện: Sử dụng máy siêu âm màu quy ước MEDISON đầu dò linear 10MHz, máy siêu âm đàn hồi Supersonic, đầu dò linear 15MHz, Core Biopsy và FNA đối chiếu.
Thời gian: từ tháng 11/2009 đến 11/ 2010 có tất cả 724ca .

IV.Kết quả:
Bảng 2:Phân bố giá trị độ đàn hồi của u vú lành tính và ác tính.



Nhận xét: Trong tổng số 724 ca:
-568 ca u lành tính (thay đổi sợi bọc, u sợi tuyến, u diệp thể) # 78 % (từ 4 đến 45 kPa), chỉ số đàn hồi ER từ 0,7 đến 4,6.
-156 ca ung thư vú # 22 % (từ 22 đến 300 kPa), chỉ số đàn hồi ER từ 3,3 đến 26,4.

Chú thích:
*kPa :độ cứng được đo bằng đơn vị kiloPascal
*ER (elastic ratio): tỉ lệ độ cứng của mô u so với mô lành bên cạnh

V.Bàn luận:
Các tiêu chuẩn chẩn đoán cho mỗi tổn thương vú là: hình dạng bản đồ màu, kích thước, tính đồng nhất, giá trị trung bình của độ đàn hồi và sự tương phản của độ đàn hồi giữa tổn thương và mô mỡ (ER, elastic ratio)

1.Trong số 156 trường hợp ung thư vú, đa số là hơn 40kPa, gần như chắc chắn ung thư vú khi độ cứng hơn 70kPa. Số còn lại rất ít (14 trường hợp) dưới 40kPa. Những trường hợp này lại có ER cao hơn 4 lần.

2.Phần lớn u lành tính tuyến vú có độ cứng quanh 20kPa. Số ít còn lại : 41 trường hợp (#7%) có độ cứng trên 20kPa nhưng thấp hơn 45kPa. Những trường hợp này là u sợi tuyến to, u diệp thể lành kích thước lớn, do đó tạo ra sức căng bề mặt lớn nên có độ cứng cao. Nhưng bản đồ màu không đồng nhất, chỉ cứng những vị trí gần đầu dò, vị trí xa hơn vẫn thể hiện màu xanh (mềm).

3.Với những u tuyến vú có phân loại BIRADS II-III, có độ cứng thấp, tỉ lệ ER thấp, chúng ta bằng lòng với chẩn đoán u lành tính, chỉ theo dõi.
Với u có BIRADS III cộng với độ cứng cao, chúng ta chuyển lên BIRADS IV và chỉ định sinh thiết ngay.
Với BIRADS IV cộng với độ cứng thấp chúng ta chuyển xuống BIRADS III và theo dõi. Nếu chúng ta đã sinh thiết rồi, kết quả lành tính thì càng yên tâm hơn về không có âm tính giả.
Khi phân tích kết quả elastogram: kPa quá cao, chúng ta không cần bàn cãi nữa. Khi kPa thấp, chúng ta phải quan sát thêm tỷ lệ đàn hồi (ER).Tỷ lệ này càng cao thì khả năng ác tính cao.

4.Phân tich bản đồ màu trên hình SWE :
U lành tính:bản đồ màu nằm khoảng giữa màu xanh dương đến gần vàng ( từ mềm đến cứng) phân bố khá đồng nhất.
U ác tính: bản đồ màu lệch hẳn về phía màu vàng đến đỏ (cứng) và phân bố khá đồng đều từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới. Trung tâm bướu thường mềm hơn vì mô hoại tử.
Vì vậy chúng ta phải phối hợp tất cả những yếu tố ( kPa, ER và bản đồ màu) để có một chẩn đoán độ đàn hồi chính xác.




VI. Kết luận và Đề nghị:
Nên đặt vấn đề ứng dụng siêu âm đàn hồi sóng biến dạng (SWE) vào trong hệ thống BIRADS, sau khi khảo sát về hình thái học, động học (Doppler) và cuối cùng là đo độ đàn hồi khối u để xếp hạng BIRADS chính xác.
Đối chiếu với phân hạng BI-RADS: Nhiều tổn thương không xác định BI-RADS III và IV được tái phân hạng và giảm được việc sinh thiết khi có thêm đánh giá của SWE. Qua nghiên cứu này đã tăng độ nhạy và độ đặc hiệu đáng kể khi thêm các đặc điểm shear wave vào phân hạng BI-RADS.
Nên phân tích bản đồ màu để góp phần chẩn đoán phân biệt, chọn lựa vị trí sinh thiết (nên sinh thiết tại những vị trí cứng (màu đỏ), vì nếu lấy nhằm những vị trí hoại tử hay những ổ dịch (màu xanh dương hoặc mất tín hiệu) thì kết quả sẽ không phù hợp.
Sự tiến bộ của công nghệ siêu âm đã làm cho việc khảo sát độ cứng mô vú (phát hiện ác tính) trở nên đơn giản, chỉ như việc khám sàng lọc sức khoẻ ban đầu. Đối chiếu với lâm sàng và chụp nhũ ảnh, bệnh nhân được sinh thiết chỗ nghi ngờ dựa vào bản đồ đàn hồi nhằm phát hiện đúng các vị trí ác tính của khối u vú giúp quyết định xử trí thích hợp và kịp thời.
Khảo sát độ cứng mô vú bằng kỹ thuật siêu âm đàn hồi sóng biến dạng (SWE) kết hợp với siêu âm quy ước và sinh thiết chắc chắn sẽ làm tăng độ tin cậy chẩn đoán của siêu âm MEDIC trong bệnh lý u tuyến vú.



Tài liệu tham khảo:
1. CASEY B. (2010): Better together in the Breast: Sonoelastography and B-mode Ultrasound, AuntMinnie.
2. COSGROVE D.: Imaging Shear Waves for Sonoelastography, Imaging Technology News, June 2009.
3. KONOFAGOU E.E.: Quo vadis Elasticity Imaging? Ultrasonics, 2004 Apr; 42(1-9):331-336. 4. MENDELSON E.B. et al : Assessing Tissue Stiffness May Boost Breast Imaging Specificity, Diagnostic Imaging, December 2009, pp 15-17.
5. SOUQUET J. (2009): Taking Ultrasound to the Next Level with Shear Wave Elastography, Diagnostic Journal, Vol V No 4, pp 8-9.
6. YEE KM (2010):Shear-wave Elastography Improves Ultrasound Diagnosis of Breast Masses, AuntMinnie.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét